top of page
Writer's pictureHNEW

Hiệp hội doanh nhân nữ Hà Nội: Những người phụ nữ mở cánh cửa ra thế giới

Với mong muốn mở rộng và nâng cao giá trị hợp tác giúp các doanh nhân nữ, HNEW đã có nhiều hoạt động kết nối với các tổ chức, quỹ Quốc tế hoạt động trên toàn thế giới.


(DĐDN) - Với mong muốn mở rộng và nâng cao giá trị hợp tác giúp các doanh nhân nữ đạt được nhiều thành công, đưa doanh nghiệp phát triển lên tầng cao mới, HNEW đã có nhiều hoạt động kết nối với các tổ chức, quỹ Quốc tế hoạt động trên toàn thế giới.

Đó là khẳng định của bà Hà Thị Thu Thanh- Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Hà Nội (HNEW) tại diễn đàn “Gia tăng giá trị hợp tác phát triển” vừa được tổ chức tối ngày 21/10.


Cơ hội “cất cánh”


Theo Chủ tịch HNEW “ 2016 có thể xem là một năm tạo nhiều dấu ấn “cất cánh” thành công của Hiệp hội với nhiều hoạt động liên kết quốc tế, giúp nâng cao chất lượng doanh nghiệp (DN), nâng cao vai trò của doanh nhân nữ đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.”


Cụ thể như, việc hợp tác với Quỹ Cherie Blair Mentoring, giúp tập trung cho DN thay đổi tư duy lãnh đạo.


Bà Hà Thị Thu Thanh- Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Hà Nội (HNEW)

Bên cạnh đó, HNEW còn tiếp cận với Quỹ PUM- Hà Lan nhằm giải quyết các vấn đề quản trị DN hiệu quả và bền vững, nâng tầm các doanh nhân nữ trong việc thay đổi quản trị, hướng tới quản trị hiệu quả nhất.


PUM là tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan, hoạt động trên 70 quốc gia và giúp kết nối từ DN giàu kinh nghiệm đến những DN “non trẻ” muốn tiếp thu kinh nghiệm. Tổ chức có hơn 3000 chuyên gia tư vấn cho khoảng 2.000 DN mỗi năm.


Ông Titus Viser- Điều phối viên quốc gia PUM cho biết: “ Chúng tôi mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn với quý vị nhưng chúng tôi không có khả năng hỗ trợ tất cả các DN tại VN. Do đó, việc hợp tác với HNEW sẽ giúp PUM tiếp cận, hỗ trợ thêm được nhiều DN Việt.”


Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu và thực hiện nhiều dự án, PUM nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại ở các DN VN khiến DN khó có thể phát triển lên tầm cao mới, như: năng suất sụt giảm, nhân viên thiếu động lực, chất lượng nhiều sản phẩm chưa đảm bảo và chưa sẵn sàng để xuất khẩu…


Do đó, thông qua quá trình trao đổi hợp tác cùng HNEW , PUM mong muốn cùng nhau thảo luận, tìm giải pháp đưa DN Việt lên tầm cao mới.


“Chúng tôi mang đến hàng nghìn chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên môn trong mọi lĩnh vực. Với mong muốn hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của DN Việt, chúng tôi sẽ chia sẻ giúp các bạn nhìn nhận ra vấn đề, đưa ra giải pháp và hướng dẫn các bạn các bước để thực hiện những giải pháp ban đầu đó”, ông Titus chia sẻ.


Theo đại diện PUM, tổ chức này đang cố gắng xây dựng chuỗi giá trị khởi đầu từ nguyên liệu thô và kết thúc bằng sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.


Đặc biệt, trong quá trình đó PUM còn hỗ trợ DN mọi vấn đề liên quan khác, kể cả việc tìm nguồn tài chính hỗ trợ DN.


Ngoài ra, ông Titus cũng cho biết, PUM mong muốn hợp tác với các trường cao đẳng, đại học nhằm tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất cho sự phát triển bền vững.



Đánh dấu sự liên kết tổ chức, PUM và HNEW đã có lễ ký kết biên bản hợp tác

Đánh giá về sự hợp tác này, bà Pauline Elizema- Phó Đại sứ ĐSQ Hà Lan tin tưởng, sự hợp tác giữa PUM và HNEW sẽ mang lại nhiều chương trình hỗ trợ DN hiệu quả.


Tiến vào kinh tế thế giới


“Đặc biệt, tôi tin phụ nữ có thể kết nối để tạo nên sự đổi thay lớn trên thế giới này. Sự kết hợp của những người phụ nữ, những doanh nhân nữ với những doanh nhân nước ngoài sẽ đạt được nhiều thành tựu lớn” bà Pauline khẳng định.


Cũng theo Phó Đại sứ ĐSQ Hà Lan, sự lựa chọn trở thành doanh nhân của phụ nữ là quyết định đúng đắn và chính xác, mang lại nhiều sự thành công lớn và góp phần bình đẳng giới.


“Sự phát triển tăng trưởng kinh tế không thể đạt đc nếu chúng ta chưa đạt được quyền bình đẳng giới, và không có điều gì tốt hơn là chúng ta tạo cơ hội cho họ tự chủ về kinh tế. Chúng tôi đang có dự tính đầu tư 93 triệu USD vào chương trình này để chúng ta có thể giúp cho nhiều phụ nữ tiến vào nền kinh tế thế giới.


“Theo Chủ tịch HNEW, sự ký kết này đánh dấu sự hợp tác hứa hẹn đầy hi vọng trong 3 năm tiếp theo nhiều thành công giữa HNEW và PUM”.


Cũng tại diễn đàn, các doanh nhân đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề về giá trị và cơ hội PUM mang lại, tiềm năng và các giá trị hợp tác…

Theo ông Titus- Điều phối viên quốc gia, việc bất đồng ngôn ngữ dường như không còn là rào cản. Bởi chuyên gia và các doanh nhân đang dùng chung ngôn ngữ kinh doanh. Các chuyên gia của PUM có thể hỗ trợ DN về mọi lĩnh vực, một trong những mấu chốt là thay đổi tư duy và cách nhìn nhận vấn đề kinh doanh của các DN hiện tại.

Nhiều doanh nhân đã thành công nhờ sự hỗ trợ của PUM. Đặc biệt về vấn đề quản trị doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.


Tiềm năng và lợi ích xã hội


Trả lời câu hỏi của DN nông sản ở Yên Bái về xây dựng thương hiệu sản phẩm, ông Titus- Điều phối viên QG PUM cho biết, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng miền là thế mạnh của các chuyên gia, PUM sẵn sàng giúp đỡ tỉnh Yên Bái.


Đặc biệt, PUM đang có nhiều chuyên gia ở tại Đà Lạt để triển khai hỗ trợ những DN về sản xuất cây trồng địa phương. Do đó, những DN hoạt động trong lĩnh vực nông sản đều có thể nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia tổ chức PUM.


Cũng tham luận về vấn đề này, bà Đặng Thị Thanh Vân- Giám đốc Savvycom, Giám đốc dự án của HNEW cho biết, các chuyên gia của PUM sẽ hướng dẫn các bạn thay đổi cách quản lý, phát triển nhân lực, và đầu tư ra thị trường quốc tế như thế nào…


Do đó, mỗi doanh nhân cần nắm bắt được những kiến thức cần thiết, phải nhận thức được chuyên gia không giúp chúng ta làm việc, họ chỉ đặt ra câu hỏi, cố vấn về tinh thần cho doanh nhân thay đổi tư duy.


Còn theo bà Đinh thị Thu Hoài- GĐ TT Giáo dục Insight, Phó chủ tịch HNEW: Các chương trình hỗ trợ thực sự mang lại nhiều lợi ích và tất cả doanh nhân đều có thể tham gia chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của mình cùng các doanh nhân khác.


Đặc biệt, tham gia các chương trình chia sẻ này, mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng và mỗi chuyến đi sẽ giúp học hỏi được nhiều điều.


Việc chia sẻ, liên kết, hợp tác để kinh doanh hiệu quả còn được cho là mang lại nhiều lợi ích cộng đồng. Bởi các doanh nhân nữ nói chung đều mong muốn đóng góp cho cộng đồng.


Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp xã hội đã ra đời với bản thân là DN. Nhưng nó không hoạt động vì mục đích tạo lợi nhuận thông thường mà là cam kết đạt được mục tiêu xã hội, mục tiêu môi trường đối với cộng đồng.

20 views0 comments

Commentaires


HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

TRUY CẬP NHANH THƯ MỤC

bottom of page